Quan tâm chăm lo cho người có công và gia đình cách mạng
Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng, nhằm ghi nhận và đền đáp phần nào những cống hiến, hy sinh của các đối tượng này và thân nhân của họ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc luôn là mối quan tâm đặc biệt của Ðảng và Nhà nước ta.
Trong những năm qua, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế, mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân; đặc biệt việc chăm sóc, tri ân người có công với cách mạng luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh quan tâm đặc biệt, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Quảng Ninh đang quản lý hơn 48.600 người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và đối tượng thờ cúng liệt sĩ, trong đó đối tượng đang hưởng trợ cấp hằng tháng là hơn 12.000 người. Là một trong những địa phương luôn đi đầu trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và gia đình chính sách, công tác "Đền ơn, đáp nghĩa" đã trở thành truyền thống mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng bộ và chính quyền tỉnh.
Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng và các gia đình chính sách, tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách riêng cao hơn mức của Trung ương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng và gia đình chính sách.
Việc thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng được thực hiện chu đáo, tận tình. Theo đó, quà của UBND tỉnh nhân ngày 27/7 và Tết Nguyên đán hằng năm được mở rộng đối tượng và có mức cao hơn quà của Chủ tịch nước. Tỉnh cũng tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, nhanh chóng chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người có công và thân nhân.
Từ năm 2018, ngoài mức hỗ trợ do ngân sách Trung ương đảm bảo, tỉnh đã thực hiện với mức hỗ trợ tiền ăn 1,4 triệu đồng/người/lần đối với đối tượng điều dưỡng tập trung; 0,7 triệu đồng/người/lần đối với đối tượng điều dưỡng tại gia đình; hỗ trợ tổ chức tham quan các di tích lịch sử, văn hóa ở các địa phương trong nước đối với đối tượng điều dưỡng tập trung 900.000 đồng/người/lần. Giai đoạn 2018-2022, đã tổ chức cho 24.363 lượt người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ được điều dưỡng tập trung và tại gia, với tổng kinh phí trên 77,881 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2013-2021, đã có 12.322 hộ gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ về nhà ở (gồm 6.467 hộ xây mới, 5.855 hộ sửa chữa) tổng kinh phí đã hỗ trợ là 489 tỷ đồng. Năm 2022, từ nguồn kinh phí Trung ương ủy quyền, tỉnh phân bổ nâng cấp, sửa chữa 3 nghĩa trang liệt sĩ và tu sửa, xây vỏ mộ liệt sĩ; xã hội hóa gần 1 tỷ đồng thực hiện sửa chữa khu mộ liệt sĩ tỉnh Quảng Ninh tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (tỉnh Quảng Trị)...
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Sinh (thôn Tùng Cầu, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) chia sẻ: Trong thời gian qua, mẹ luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi kịp thời đến từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Điều này làm cho mẹ cảm thấy rất ấm lòng, luôn tự hào trước sự hy sinh anh dũng của 2 con để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Giờ mẹ chỉ mong nhiều sức khỏe để nhìn thấy con cháu trưởng thành, quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp, nhà nhà hạnh phúc, ấm no.
Để chăm lo tốt hơn đến đời sống người có công với cách mạng, phù hợp với chủ trương, chính sách của tỉnh, Sở LĐ-TB&XH hiện đang chủ trì phối hợp tham mưu xây dựng nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn tỉnh.
Việc xây dựng nghị quyết với quan điểm thực hiện theo đúng quy định của các văn bản pháp luật hiện hành; xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện KT-XH, theo mức độ đóng góp, công lao cống hiến của từng diện đối tượng và cân đối trong mặt bằng chính sách nói chung. Chính sách hỗ trợ phải mang tính bền vững, phù hợp với điều kiện kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội nâng cao đời sống cho người có công với cách mạng và thân nhân của họ. Việc triển khai thực hiện chính sách phải đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, không để xảy ra trục lợi chính sách. Dự kiến dự thảo nghị quyết được trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.
Tri ân người có công với cách mạng là một giải pháp đảm bảo về mặt an sinh xã hội và thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh và phù hợp với các quy định của pháp luật, góp phần nâng cao mức sống đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc Nhà nước nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo Nghị định 55/2023/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 21/7/2023 (mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1,624 triệu đồng lên 2,055 triệu đồng), khi nghị quyết của tỉnh được thông qua, đời sống người có công và gia đình cách mạng trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng được cải thiện, tốt đẹp hơn. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV là “Bảo đảm 100% gia đình và người có công với cách mạng có mức sống cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương”.
Tin tức khác
- Phường Hồng Hải tổ chức Lễ phát động đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị thực hiện đề án "Hạ Long - Thành phố của hoa"
- BCĐ phòng chống dịch phường Hồng Hải tổ chức phun hoá chất phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn phường
- Phường Hồng Hải tổ chức phát động ra quân dọn vệ sinh rừng làm đường băng cản lửa phòng cháy, chữa cháy rừng
- Tưng bừng ngày hội Đoàn kết - thắm tình dân quân trên địa bàn phường Hồng Hải
- Hội đồng nghĩa vụ quân sự phường Hồng Hải tổ chức khám sơ tuyển NVQS năm 2025